Tẩy trắng răng bằng Laser

Tẩy trắng răng là gì?

Tẩy trắng răng là phương pháp làm dùng hóa chất và ánh sáng để cải thiện tình trạng răng ố vàng, mất màu, xỉn màu mà không gây tổn hại đến men răng.

Tẩy trắng răng có thể được thực hiện ở các cơ sở y tế hoặc tại nhà. Để tẩy trắng răng an toàn, người thực hiện cần:

  • Có răng khỏe mạnh, men răng tốt, răng không bị mài mòn nhiều.
  • Không mắc các bệnh về răng miệng như viêm nướu, nha chu, răng chết tủy, ê buốt răng…                                                                                                                                                                                                     

Tẩy trắng răng giúp khôi phục màu răng trắng sáng rạng rỡ.

Có nên tẩy trắng răng? Tẩy trắng răng có tốt không?

Nên cân nhắc tẩy trắng răng nếu bạn không hài lòng với màu răng của mình và cảm thấy nó ảnh hưởng đến sự tự tin của bản thân. Có nên tẩy trắng răng hay không là phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân.

Tẩy trắng răng cải thiện tình trạng răng mất màu, sẫm màu do tuổi tác, thực phẩm, thói quen vệ sinh răng miệng,… mang lại lợi ích về mặt thẩm mỹ, giúp người thực hiện tự tin hơn trong giao tiếp, đời sống.

Tẩy trắng răng được xem như phương pháp an toàn, không làm hại men răng hay cấu trúc răng. Đây không phải phương pháp xâm lấn như bọc răng sứ hay trồng răng nên gần như không gây biến chứng. Răng thường ê buốt một vài ngày sau khi tẩy trắng, đây là hiện tượng bình thường, không đáng lo ngại.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, quy trình tẩy trắng nên được thực hiện hoặc tư vấn bởi nha sĩ, bác sĩ có chuyên môn. Nồng độ và thời gian tác dụng thuốc cần phải được tinh chỉnh để phù hợp với tình trạng sức khỏe răng miệng của mỗi người. Thế nên, mọi người không nên tự ý dùng các sản phẩm tẩy trắng không rõ nguồn gốc tại nhà.

Xem thêm:

14+ cách tẩy trắng răng ố vàng lâu năm bị xỉn màu ngay tại nhà

Khi nào nên và không nên tẩy trắng răng?

1. Khi nào nên tẩy trắng răng?

Những trường hợp nên tẩy trắng răng bao gồm:

  • Người trên 16 tuổi, răng khỏe mạnh và có nhu cầu làm trắng răng.
  • Răng bị sậm màu, xỉn màu, mất màu hoặc răng bị đen do tuổi tác, ăn uống, vệ sinh.
  • Răng không đều màu, trên răng có đốm vàng, nâu gây mất thẩm mỹ.
  • Răng bị nhiễm màu do hoá chất, tác dụng phụ của thuốc.

2. Ai không nên tẩy trắng răng?

Những đối tượng không nên tẩy trắng răng gồm:

  • Người dưới 16 tuổi, vì thuốc dễ gây kích thích tủy, khiến răng nhạy cảm hơn.
  • Người có men răng yếu hoặc đang mắc các bệnh răng miệng như sâu răng, hở cổ chân răng, viêm nướu, tụt nướu, răng nhạy cảm,…
  • Người dị ứng với thành phần trong thuốc tẩy trắng răng.
  • Người đã thực hiện dán veneer, bọc răng sứ hay trồng răng implant.
  • Phụ nữ cũng được khuyên không nên tẩy trắng răng khi đang mang thai hoặc cho con bú.

Các phương pháp tẩy trắng răng

Đa số các phương pháp tẩy trắng răng tại phòng khám hiện nay đều dùng thuốc tẩy trắng răng chứa peroxide. Các loại thuốc được bác sĩ, nha sĩ sử dụng tại cơ sở y tế thường có nồng độ 15%-43% peroxide. Thuốc dùng để tẩy răng tại nhà thường có nồng độ 3%-20% peroxide. Bên cạnh thuốc tẩy trắng, bác sĩ sẽ dùng thêm các loại ánh sáng để tăng hiệu quả tẩy trắng răng như đèn LED, laser hoặc plasma.

1. Tẩy răng bằng laser whitening

Laser được dùng trong chăm sóc răng miệng từ cuối thế kỷ XX, tiêu biểu là ứng dụng tẩy trắng răng. Laser có khả năng sinh nhiệt và tăng hiệu quả hoạt động của gel tẩy trắng trên răng. Tuy nhiên, nhiệt lượng từ laser có thể gây kích thích men và mô tủy răng, gây ra tình trạng ê buốt sau khi tẩy trắng.

Bác sĩ sau khi khám tình trạng răng, loại bỏ vôi răng sẽ tiến hành tẩy trắng theo các bước sau:

  • Bôi chất bảo vệ nướu để tránh thuốc và ánh sáng tiếp xúc gây bỏng, rát nướu.
  • Thuốc tẩy trắng nồng độ cao được bôi lên bề mặt răng.
  • Đèn laser được chiếu lên bề mặt răng 10-15 phút, lặp lại 2-3 lần.
  • Sau khi chiếu đèn, bác sĩ tiến hành làm sạch khoang miệng và bôi thuốc giúp thuyên giảm tình trạng ê buốt răng sau khi tẩy trắng.

Quy trình tẩy trắng răng bằng laser thường mất 1-2 giờ để thực hiện toàn bộ các bước.

Bác sĩ bôi thuốc bảo vệ nướu trước khi thoa thuốc tẩy trắng lên răng.

2. Tẩy trắng răng bằng đèn plasma

Phương pháp tẩy trắng răng bằng plasma dùng đèn plasma thay vì laser để đẩy mạnh khả năng tẩy trắng răng của peroxide. Ánh sáng plasma có khả năng đẩy nhanh quá trình phân hủy peroxide trong thuốc tạo thành gốc tự do. Gốc tự do sẽ len lỏi sâu qua men răng để phá gãy chuỗi phân tử màu trong lớp ngà răng (dưới men răng).

Về quy trình thực hiện, tẩy trắng răng bằng plasma và laser đều khá giống nhau. Tuy nhiên, ánh sáng plasma có thể khắc phục nhược điểm sinh nhiệt của laser. Đèn plasma không sinh nhiệt, hạn chế kích thích mô, tủy răng, giúp giảm triệu chứng tê buốt sau khi tẩy răng, ngoài ra, ánh sáng plasma cũng có khả năng diệt khuẩn hiệu quả.

Tuy tẩy trắng bằng plasma được xem như phương pháp hiện đại hơn, tuy nhiên, khả năng tẩy trắng răng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình trạng màu răng, nồng độ thuốc, thời gian chiếu đèn,…

Hình ảnh Ghim câu chuyện

Đèn plasma không sinh nhiệt, hạn chế tình trạng ê buốt răng sau khi tẩy trắng.

3. Tẩy trắng răng chết tủy

Tủy răng cung cấp nguồn dinh dưỡng để nuôi sống mô răng. Khi tủy răng chết, răng sẽ đổi màu từ bên trong, đòi hỏi phương pháp tẩy trắng khác so với thông thường.

Trước khi tẩy trắng, răng cần được điều trị hết tình trạng viêm, chết tủy. Quy trình tẩy trắng răng chết tủy cần được thực hiện nhiều lần (thường là 3 buổi) trong vòng 2-3 tuần như sau:

  • Ở buổi đầu tiên, bác sĩ mở một đường (lỗ) nhỏ vào tủy răng, bơm thuốc tẩy trắng vào trong buồng tủy và bít đường mở bằng chất trám tạm. Người bệnh được hẹn lại buổi thứ hai sau 2-4 ngày.
  • Ở buổi thứ hai, bác sĩ sẽ đánh giá sự thay đổi của màu răng. Nếu răng chưa đạt yêu cầu, bác sĩ sẽ bơm thuốc lặp lại. Nếu răng đủ độ trắng, bác sĩ sẽ lấy thuốc trong tủy răng và trám tạm răng cho người bệnh. Buổi thứ ba sẽ diễn ra khoảng 2 tuần sau đó,
  • Ở buổi cuối cùng, khi tình trạng răng đã ổn định, bác sĩ sẽ tiến hành trám vĩnh viễn răng cho người bệnh.

4. Phương pháp đeo máng tẩy trắng răng tại nhà

Nha sĩ có thể cung cấp dịch vụ tẩy trắng tại nhà nếu khách hàng cần. Sau khi lấy khuôn răng, máng răng chuyên biệt dành riêng cho khách hàng sẽ được đúc. Bác sĩ hướng dẫn khách hàng quy trình thực hiện tẩy răng tại nhà hiệu quả, an toàn như lượng thuốc cần bơm, thời gian ngậm máng, cách vệ sinh răng miệng,…

Quy trình tẩy trắng bằng phương pháp đeo máng thường diễn ra như sau:

  • Bước 1: Làm sạch răng miệng trước khi tẩy trắng răng.
  • Bước 2: Cho một lượng thuốc tẩy trắng vừa đủ theo hướng dẫn của bác sĩ lên máng đeo.
  • Bước 3: Mang máng tẩy trắng, lau sạch phần thuốc thừa xung quanh máng để tránh gây kích ứng nướu.
  • Bước 4: Sau khi đeo đủ thời gian, vệ sinh lại máng và răng miệng sạch sẽ.

Thuốc tẩy trắng tại nhà thường có nồng độ thấp, ít nguy cơ gây kích ứng mô răng hay nước nên khác hàng có thể yên tâm thực hiện tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Thời gian thực hiện tẩy trắng có thể kéo dài từ 5-10 ngày, tùy vào tình trạng răng.

Trên thị trường có một số sản phẩm máng trắng răng tại nhà. Tuy nhiên hiệu quả tẩy trắng có thể không tối ưu, thậm chí gây hại đến răng.

Dụng cụ thấy trắng răng tại nhà gồm có thuốc tẩy trắng răng, khay (máng) ngậm và đèn.

5. Tẩy trắng răng bằng miếng dán

Miếng dán trắng răng chứa các hoạt chất tẩy trắng và chất kết dính giúp miếng dán cố định trên răng. Hoạt chất tẩy trắng răng thường là hydrogen peroxide có nồng độ thấp, không được hỗ trợ bằng ánh sáng chuyên dụng, thế nên hiệu quả tẩy trắng không thể so sánh với điều trị tại nha khoa.

Miếng dán tẩy trắng thường được dùng tại nhà nhờ các ưu điểm như giá rẻ, dễ tiếp cận, tiện lợi. Nhưng hiệu quả tẩy trắng thường chỉ mang tính tạm thời, khó duy trì trong thời gian dài.

Tẩy trắng bằng miếng dán thường không được các nha sĩ khuyên dùng, vì nhiều nguyên nhân:

  • Lạm dụng mà không có sự theo dõi, tư vấn của bác sĩ có thể gây tổn hại, mòn men răng.
  • Gây ê buốt răng.
  • Chỉ làm trắng bề mặt răng tạm thời, không duy trì kết quả lâu dài.
  • Không phù hợp với với người có tình trạng răng khập khểnh, không đều.

Có thể tẩy trắng răng tại nhà không?

Hiện nay, có nhiều cách tẩy trắng răng tại nhà được truyền miệng như đánh răng với baking soda hay bột than tre. Tuy nhiên, đa số các phương pháp đều không mang lại độ hiệu quả cao. Các biện pháp làm trắng răng tại nhà còn tiềm ẩn những rủi ro về sức khỏe răng miệng (như mòn, hỏng men răng) nếu không thực hiện đúng cách.

Ví dụ, baking soda có khả năng mài mòn nhẹ và tạo ra môi trường kiềm để ngăn vi khuẩn phát triển. Tuy nhiên, đánh răng bằng baking soda có thể gây mòn, yếu men răng. Ngoài ra, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh đánh răng bằng baking soda thay cho kem đánh răng có thể làm trắng răng hiệu quả hơn.

Tốt nhất bạn nên đến các cơ sở nha khoa uy tín để làm trắng răng, thay vì dùng các phương pháp được truyền miệng. Bác sĩ có chuyên môn sẽ đưa ra nồng độ thuốc, thời gian điều trị phù hợp để bạn đạt được kết quả rõ rệt, lâu dài nhưng vẫn an toàn.

Tẩy trắng răng có đau không, có làm răng yếu đi hay có bị ê buốt không?

Tẩy trắng răng thường không gây đau, nhưng dễ kích ứng nướu và tăng độ nhạy cảm của răng (răng dễ ê buốt) là tác dụng phụ phổ biến nhất khi tẩy trắng bằng dung dịch peroxide. Tuy nhiên, tẩy trắng răng có thể gây đau nếu răng có vết nứt, bị sâu răng hay tổn thương khác. Khi tẩy trắng răng tại cơ sở y tế chất lượng, uy tín, bạn có thể an tâm răng của mình sẽ không chịu tổn thương hay biến chứng nguy hiểm sau khi tẩy trắng.

Tác hại của tẩy trắng răng sai cách

Nếu tự tẩy trắng răng tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế kém uy tín, một số rủi ro có thể xảy ra như:

  • Khiến răng và nướu nhạy cảm trong thời gian dài.
  • Xói mòn men răng.
  • Tổn thương nướu.
  • Nướu trở nên trắng trong thời gian ngắn.
  • Tình trạng màu răng không đồng đều.

Ngoài ra, việc tự ý làm trắng răng thường xuyên tại nhà có thể gây những vấn đề về sức khỏe răng miệng. Đặc biệt khi tự ý dùng các sản phẩm tẩy trắng răng có peroxide mà không có sự giám sát của bác sĩ.

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá tẩy trắng răng

1. Tình trạng vàng răng

Tình trạng vàng răng có thể ảnh hưởng đến kết quả và giá thành tẩy trắng răng. Đặc biệt với những người có răng bị nhiễm màu nặng, chết tủy, cần thực hiện thêm nhiều thủ thuật hỗ trợ, chi phí có thể cao hơn so với tẩy trắng thông thường.

2. Thuốc tẩy trắng răng

Tùy theo phương pháp và trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chọn loại thuốc có nồng độ phù hợp. Một số loại thuốc được dùng chuyên biệt trong một vài tình huống (ví dụ răng chết tủy), sẽ có chi phí cao hơn các loại thuốc thông thường.

3. Tay nghề bác sĩ

Kinh nghiệm và tay nghề của bác sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp khách hàng đạt được tình trạng răng đúng như mong muốn, hạn chế tác dụng phụ. Thế nên, chi phí tẩy trắng răng có thể cao hơn tại các cơ sở có bác sĩ giàu kinh nghiệm.

4. Cơ sở vật chất và trang thiết bị tại nha khoa

Cơ sở vật chất như không gian, thiết bị, máy móc điều trị sẽ trực tiếp ảnh hưởng trải nghiệm điều trị cho khách hàng. Những cơ sở nha khoa có trang thiết bị hiện đại, chất lượng thường đi kèm chi phí điều trị cao hơn.

Sau tẩy trắng răng có bị vàng lại không?

Câu trả lời là có. Tuy nhiên, thời gian răng ngả vàng sẽ tùy thuộc vào tình trạng răng, thói quen ăn uống và chăm sóc răng miệng ở mỗi người. Thời gian răng vàng trở lại ở mỗi người có thể rất khác nhau, rất khó để thống kê khoảng thời gian chính xác. Tuy nhiên, thời gian cách nhau giữa hai lần tẩy trắng được khuyên từ 1- 2 năm.

Lưu ý sau khi tẩy trắng răng

Sau khi tẩy trắng răng, bạn cần giữ vệ sinh răng miệng đúng cách để duy trì kết quả tẩy trắng hiệu quả, lâu dài:

  • Đánh răng hai lần mỗi ngày với kem đánh răng có fluor.
  • Dùng chỉ nha khoa hoặc tăm nước sau khi ăn để loại bỏ mảng bám, thức ăn thừa trong kẽ răng.
  • Hạn chế ăn các thực phẩm đậm màu, có thể gây xỉn màu răng như bánh kẹo, cà phê, nước ngọt, trà,…
  • Nên uống nhiều nước hoặc súc miệng sau khi ăn thực phẩm đậm màu.
  • Không hút thuốc.
  • Tái khám với nha sĩ định kỳ mỗi 6-12 tháng.
Bài viết trong chuyên mục . Bookmark bài này liên kết.